Khách thích thú đi giữa con đường trồng mãng cầu đẹp như phim, nghe “vua trâu” phiếm chuyện ở Hậu Giang

13/05/2025

Về huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nhiều du khách thích thú khi được vi vu bằng “xe ôm” giữa những con đường mãng cầu bạt ngàn, thưởng thức món ăn đặc biệt được làm từ trái mãng cầu. Chưa hết, khách còn được nghe “vua trâu” kể những câu chuyện thú vị.

Những ngày đầu tháng 5, nhiều tuyến đường quê thanh bình tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đông hơn, vui hơn khi đón nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch độc đáo tại địa phương.

Vi vu giữa đường mãng cầu đẹp như phim

Điểm đặc biệt khiến nhiều du khách ấn tượng khi tham quan huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là được thong thả trên những tuyến đường quê bạt ngàn mãng cầu gai tại xã Thuận Hòa.

Đội "xe ôm" là bà con nông dân trong áo bà ba dân dã đón khách, chở khách đến các điểm tham quan. Ảnh: Hồng Phúc

Du khách thích thú tham quan, hái mãng cầu tại nhà vườn của nông dân ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồng Phúc

Người chở du khách chính là những nông dân Long Mỹ chất phác. Trong chiếc áo bà ba, bà con nông dân - “thổ địa” địa phương, hóa thành tài xế “xe ôm” kiêm hướng dẫn viên du lịch, vừa chở khách vừa giới thiệu về điểm đến và loại trái cây đặc biệt nhất của địa phương là mãng cầu gai.

Xã Thuận Hòa là địa phương có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất tỉnh Hậu Giang. Mãng cầu được trồng khắp nơi, từ đất canh tác của nông dân đến dọc hai bên đường. Nhờ vậy, du khách có thể hòa mình vào con đường mãng cầu đẹp như phim, trải nghiệm hái, thưởng thức mứt mãng cầu đạt chuẩn OCOP ngay tại vườn.

"Vua trâu" Nguyễn Hồng Ngự kể chuyện khởi nghiệp, làm giàu với nghề nuôi trâu. Ảnh: Hồng Phúc

Rời Thuận Hòa, du khách đến xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ thăm “vua trâu” miền Tây Nguyễn Hồng Ngự. Ông Ngự có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trâu. Từ nghèo khó chỉ có 1 con trâu cái, ông Ngự đã vươn lên có trong tay đàn trâu hàng trăm con, có ô tô, có nhà cửa khang trang và gần 300 công đất nằm rải rác miền Tây Nam Bộ.

Khách trải nghiệm làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình tại cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ Ecoka. Ảnh: Hồng Phúc

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là “đặc sản” không thể thiếu khi đến đồng bằng sông Cửu Long. Du khách tham quan cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ Ecoka. Cơ sở này có hơn 5 năm tập trung làm sản phẩm bền vững, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Không chỉ tham quan, nhiều du khách đến từ TP.HCM còn đặc biệt ấn tượng với những món ăn dân dã, mang đậm bản sắc địa phương khi có sự kết hợp đặc biệt với trái mãng cầu Long Mỹ như mãng cầu hấp, cá diêu hồng chiên sốt mãng cầu, cà ri vịt mãng cầu, lẩu trà mãng cầu…

Kỳ vọng du lịch nông nghiệp Long Mỹ

Bà Trần Thị Thủy Tiên, chủ nhà đãi khách mứt mãng cầu cho biết, tại ấp 2 xã Thuận Hòa, hầu như nhà nào cũng trồng mãng cầu. Gia đình bà có khoảng 5.000m2 trồng mãng cầu. Ngoài việc bán mãng cầu trái, gia đình bà Tiên đang tập trung chế biến sâu mãng cầu thành nhiều sản phẩm như mứt thô, mứt đóng gói, trà và rượu mãng cầu.

“Đây là một trong những lần đầu tiên tôi đón khách đến tham quan thế này. Để đón khách, nhà cửa phải sạch sẽ, gọn gàng nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc của gia đình, bố trí chỗ ngồi cho khách. Tôi kỳ vọng sẽ đón thêm nhiều khách, du lịch sẽ mang thêm hiệu quả kinh tế cho bà con chúng tôi”, bà Tiên nói.

Bà Thủy Tiên, chủ cơ sở sản xuất mứt mãng cầu Thủy Tiên ở xã Thuận Hòa giới thiệu sản phẩm với du khách. Ảnh: Hồng Phúc

Tại hội nghị Xúc tiến - kết nối du lịch huyện Long Mỹ, Hậu Giang ngày 9/5, ông Lê Phước Chí - Trưởng phòng Văn hóa Khoa học và Thông tin huyện Long Mỹ, cho biết những cố gắng gần đây của địa phương là những gợi mở đầu tiên giúp doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh mạnh dạn làm du lịch nông nghiệp.

“Du lịch Long Mỹ ví như đứa trẻ bước đi đầu đời nên còn nhiều thách thức. Chúng tôi mong muốn nông dân mạnh dạn tham gia làm du lịch, đầu tư vào cơ sở lưu trú chất lượng. Các công ty du lịch kết nối du khách ở tour tuyến lân cận đến với Long Mỹ và chúng tôi sẵn sàng lắng nghe góp ý để sản phẩm thêm hoàn thiện”, ông Chí nói.

Du khách nghe hát Aday truyền thống và múa hát cùng các nghệ nhân. Ảnh: Hồng Phúc

Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly cho rằng huyện Long Mỹ có nhiều chất liệu, sản phẩm du lịch gắn với sự dân dã của địa phương. Dù vậy, Long Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng đường sá chưa thuận lợi đón đoàn khách lớn, thiếu nhà vệ sinh… Đặc biệt, chưa có nhiều nhà đầu tư lớn đến tham gia.

Tuy nhiên, bà cho rằng tương lai, sáp nhập Hậu Giang vào Cần Thơ sẽ là một cơ hội lớn cho du lịch huyện Long Mỹ.

“Chúng ta phải làm gì khi chưa có nhiều nhà đầu tư lớn đến với Long Mỹ? Đó là phải làm du lịch cộng đồng, kết nối các điểm đến hiện có. Khi sáp nhập Cần Thơ, Long Mỹ cần có hướng đi đúng đắn để tạo hình ảnh, thương hiệu, dấu ấn riêng của điểm đến, khi đó, Long Mỹ hoàn toàn tự tin kết nối với tour tuyến khác trong phạm vi lớn hơn”, chuyên gia Phan Yến Ly nhấn mạnh.

Hồng Phúc - Báo Dân Việt

Related Post

Food

Attractions